Về nơi ôm mộng tiếu ngạo giang hồ
Trịnh Châu có toà núi Tung Sơn, phía đông nối với cố đô Biện Lương của 5 triều đại, phía tây liền với cố đô Lạc Dương của 9 triều đại, được xưng tụng là “Đệ nhất danh sơn Trung Nguyên”.
Quần thể núi đồ sộ, diện tích lên tới 450km2, có tổng cộng 72 đỉnh núi, phân chia thành 2 khu vực: Phía đông là núi Thái Thất, cao nhất là đỉnh Tuấn Vực hơn 1.492m và phía tây là núi Thiếu Thất, có đỉnh Liên Thiên đạt độ cao hơn 1.512m, cảnh quan uy nghi hùng tráng. Năm 495, Hiếu Văn Đế nhà Bắc Nguỵ chọn núi Thiếu Thất làm nơi dựng chùa cho cao tăng Bạt Đà người Ấn Độ đến tu hành và truyền bá Phật pháp, chùa xây giữa rừng trên núi Thiếu Thất nên đặt tên “Thiếu Lâm Tự”.
Trung Quốc hiện nay có nhiều ngôi chùa cùng mang tên Thiếu Lâm Tự, nhưng chỉ ngôi chùa trên núi Thiếu Thất, Tung Sơn mới được coi là cái nôi của Thiền tông và võ thuật, gắn liền với danh hiệu “Thiền tông tổ đình, công phu thánh địa”. Về mặt võ thuật, ngôi chùa này nổi tiếng đến mức, người đời về bình luận rằng “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm, Thiếu Lâm công phu giáp thiên hạ”, hàm ý mọi môn võ thuật trong thiên hạ đều có nguồn gốc xuất xứ từ võ thuật của Thiếu Lâm. Trong lịch sử phát triển Phật giáo và võ thuật Trung Quốc, Thiếu Lâm Tự chiếm vị trí quan trọng và không thể thay thế.
Dưới ảnh hưởng của những cuốn võ hiệp kỳ tình như “Sở Lưu Hương truyện”của Cổ Long, “Giáng tuyết huyền sương” của Ngoạ Long Sinh, “Thiên long bát bộ”, “Thần điêu hiệp lữ” của Kim Dung, cùng vô số các tác phẩm văn học, phim ảnh lấy Thiếu Lâm Tự làm chủ đề hoặc bối cảnh, võ thuật Thiếu Lâm được khoác thêm vẻ huyền bí và càng trở nên nổi tiếng hơn. Những bí quyết võ công Dịch Cân Kinh, Tẩy Tuỷ Kinh, Thái Dương Chân Kinh, 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm… được công chúng bình luận say sưa, nói hoài không chán. Trong giai đoạn tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, ai chưa từng ôm mộng giang hồ, hoá thân thành các cao thủ võ lâm Kiều Phong, Đoàn Dự, Quách Tĩnh, Dương Quá, Lệnh Hồ Xung… một thân võ nghệ siêu quân, tung hoành thiên hạ, cứu khốn phò nguy, sống cuộc đời oanh oanh liệt liệt không ràng buộc?!
Tất nhiên, giữa sáng tạo nghệ thuật và hiện thực luôn có sự khác biệt. Du khách ngày nay đến với Thiếu Lâm Tự không thể tìm thấy những màn thi triển võ thuật ly kỳ, siêu việt như mô tả trong tiểu thuyết hay phim truyền hình. Trong câu chuyện lịch sử chân thật của Thiếu Lâm Tự, không có câu chuyện ba huynh đệ kết nghĩa Kiều Phong đại chiến quần hùng dưới chân núi Thiếu Thất, không có nàng A Châu giả làm hoà thượng đột nhập vào Tàng Kinh Các, cũng không có câu chuyện nàng Quách Tương và chàng thiếu niên Trương Tam Phong gặp gỡ cao tăng Giác Viễn… Thế nhưng, bầu không khí võ thuật nơi đây vẫn vô cùng nồng đậm. Các võ tăng và võ sinh có mặt ở khắp nơi, du khách luôn có cơ hội để được tận mắt chiêm ngưỡng các võ tăng của chùa thi triển các tuyệt kỹ võ học.
Thiếu Lâm Tự còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá lịch sử quý báu của các triều đại trải từ Bắc Nguỵ đến các triều đại Đường, Tống, Kim, Nguyên, Minh, Thanh. Trong lịch sử dài hơn 1.500 năm của mình, ngôi chùa này đã có ít nhất 30 vị hoàng đế đến vãng cảnh, hoàng đế Càn Long thậm chí còn từng ngụ lại một đêm tại chùa. Nơi đây lưu giữ tấm bia đá có chữ viết tay của Đường Thái Tông, bia đá do nữ hoàng Võ Tắc Thiên lập, tấm biển đề 3 chữ Thiếu Lâm Tự do đích thân hoàng đế Khang Hy viết, cùng hàng loạt các di sản văn hoá nghệ thuật quý giá khác.
Thời đại đã thay đổi, vẻ trang nghiêm lánh xa tục thế đã phai nhạt, nhưng giữa những bức tường sơn đỏ đặc trưng của ngôi chùa, các công trình kiến trúc cổ như Thường trụ viện, Đại hùng bảo điện, Thiên Phật điện, Tam Hoàng Trại thiền viện… vẫn bảo tồn nguyên vẹn tinh thần thượng võ trượng nghĩa của Thiếu Lâm. Rừng tháp bạt ngàn, nơi an nghỉ của các cao tăng Thiếu Lâm, vẫn giữ vẻ an yên khiến lòng người kính sợ. Thư San Nhai vách đá sừng sững vẻ tráng lệ nghìn năm không thay đổi, nghĩ lại giấc mộng giang hồ thủa nhỏ, khách ngắm cảnh có lẽ không khỏi khẽ mỉm cười.
BTT/Ảnh: Internet